Vi phạm hình sự là gì? Các yếu tố cấu thành vi phạm hình sự?
Một trong những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại quan hệ được Luật hình sự bảo vệ, xâm hại đến tính mạng, tinh thần, vật chất… đó là vi phạm hình sự. Vậy vi phạm hình sự khác với những vi phạm khác như thế nào? Quý khách hàng có thể tham khảo quy định về tội phạm hình sự qua bài viết dưới đây của Văn phòng Luật sư Đà Nẵng.
1. Vi phạm hình sự là gì?
Dựa theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, vi phạm pháp luật được chia thành các loại sau đây:
– Vi phạm hành chính;
– Vi phạm dân sự;
– Vi phạm hình sự;
– Vi phạm kỷ luật.
Theo đó, Vi phạm hình sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm:
– Xâm phạm Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,
– Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
– Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
Hành vi vi phạm hình sự được phân thành các mức độ khác nhau như sau:
– Vi phạm có tính ít nghiêm trọng;
– Vi phạm có tính nghiêm trọng;
– Vi phạm có tính rất nghiêm trọng;
– Vi phạm có tính đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các yếu tố cấu thành vi phạm hình sự (tội phạm)
Một hành vi bị coi là vi phạm hình sự khi có đủ 4 yếu tố: mặt khách quan, khách thể, mặt chủ quan, chủ thể thực hiện tội phạm.
2.1 Về mặt khách quan
Mặt khách quan của vi phạm hình sự là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội…
Mặt khách quan của tội phạm bao gồm:
– Hành vi vi phạm hình sự: Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các tội phạm. Có thể là hành vi hành động (hành vi của tội giết người, tội cướp giật tài sản,…) và hành vi không hành động (hành vi của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,…)
– Hậu quả: Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả tội phạm. Hậu quả do hành vi hi phạm hình sự gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần, tính mạng, sức khỏe…Hậu quả có ý nghĩa quan trọng để xác định mức độ và tính chất nguy hiểm của tội phạm. Hậu quả của hành vi vi phạm hình sự gây nguy hiểm cho xã hội càng lớn thì mức độ nguy hiểm của tội phạm càng cao.
– Thời gian và địa điểm phạm tội: Đây là một trong những dấu hiệu buộc phải chứng minh trong vụ án hình sự để chỉ đích tội phạm có mặt ở địa điểm và thời gian phạm tội có thật.
– Phương tiện, công cụ thực hiện tội phạm: là dấu hiệu khách quan, không phải dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm hình sự. Một số tội phạm có quy định phương tiện, công cụ là dấu hiệu đặc trưng để định tội do đó cần tuân theo các quy định của điều luật.
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm: là mối liên hệ giữa một hiện tượng là hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội đóng vai trò là nguyên nhân với một hiện tượng là hậu quả nguy hiểm cho xã hội đóng vai trò là kết quả.
- Đối với những tội phạm cấu thành vật chất, coi là hoàn thành tội phạm khi hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hậu quả nên, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc để định tội.
- Đối với những tội phạm cấu thành hình thức được coi là hoàn thành khi có hành vi nguy hiểm cho xã hội theo quy định của Bộ luật hình sự.
- Hành vi vi phạm hình sự phải xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian. Giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả phải có mối quan hệ nội tại, tất yếu.
2.2 Về khách thể
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ nhưng bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
2.3 Về mặt chủ quan
Mặt chủ quan của cấu thành tội phạm hình sự là mặt bên trong của tội phạm gồm: dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích của tội phạm
– Dấu hiệu lỗi: Lỗi là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả tội phạm đối với hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó gây ra.
- Lỗi cố ý trực tiếp: là người phạm tội khi thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó gây ra và mong muốn hậu quả tác hại xảy ra
- Lỗi cố ý gián tiếp là người phạm tội khi thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó gây ra và không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả tác hại xảy ra.
- Lỗi vô ý vì quá tự tin là người phạm tội khi thực hiện hành vi thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội do cẩu thả không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó
– Động cơ phạm tội: là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Động cơ phạm tội có thể được xem là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình phạt.
– Mục đích phạm tội: Là kết quả trong ý thức của người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với những tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý vì trường hợp này người phạm tội thực hiện hành vi có mong muốn hậu quả xảy ra.
2.4 Về chủ thể thực hiện tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật
3. Luật sư tư vấn Hình sự
- Tư vấn và soạn thảo đơn từ trong tố tụng hình sự
- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho khách hàng
- Hướng dẫn người bị hại viết đơn trình bày rõ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo
- Hỗ trợ khách hàng phân tích, đánh giá và tìm kiếm chứng cứ ngoại phạm hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự
- …
Trên đây là nội dung tư vấn về vi phạm hình sự của Văn phòng Luật sư Đà Nẵng. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 091 298 7103.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Văn phòng Luật sư Đà Nẵng