Thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng
Thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng năm 2024
Đối với nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khoẻ ngày càng được nhiều người chú trọng. Mô hình công ty kinh doanh thực phẩm chức năng nhờ đó mà trở thành mô hình tiềm năng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải nắm kiến thức về thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng để theo đuổi con đường này thuận lợi hơn. Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích sẽ cung cấp thông tin về thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng cũng như các nội dung liên quan qua bài viết dưới đây.
1. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng
Chủ đầu tư phải nắm và chuẩn bị những nội dung trong quá trình thành lập công ty như:
1.1 Địa chỉ và tên công ty
Địa chỉ công ty hay trụ sở chính của công ty được quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, trụ sở đặt trên lãnh thổ Việt Nam và được xác định trực tiếp bằng địa giới đơn vị hành chính; là địa chỉ liên lạc của công ty; cần thiết thì có số điện thoại, số fax, thư điện tử. Hơn hết, đối với địa chỉ công ty cần phải rõ ràng, không dùng nhà chung cư, nhà tập thể để đăng ký địa chỉ.
Tên công ty là một nội dung khá quan trọng trong quá trình thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty kinh doanh thực phẩm chức năng nói riêng. Khi đặt tên công ty, chủ đầu tư cần lưu ý quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
– Tên doanh nghiệp bằng Tiếng Việt bao gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Về loại hình doanh nghiệp gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn thì có thể viết đầy đủ “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc viết tắt “công ty TNHH”.
+ Công ty cổ phần khi viết đầy đủ sẽ là “công ty cổ phần”, viết tắt là “công ty CP”.
+ Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân cũng tương tự, viết đầy đủ là “công ty hợp danh”, “doanh nghiệp tư nhân”, còn viết tắt sẽ là “công ty HD”, “doanh nghiệp TN”.
– Phần tên riêng được quy định viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt, các chữ cái như W, Z, J, F và chữ số, ký hiệu.
– Tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải gắn tên doanh nghiệp. Tên sẽ được viết hoặc in trên các hồ sơ tài liệu, giấy tờ giao dịch hay ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, nếu muốn đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và viết tắt tên doanh nghiệp thì phải tuân thủ quy định tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tên doanh nghiệp nếu đặt bằng tiếng nước ngoài phải được dịch từ tên Tiếng Việt giữ nguyên hoặc mang nghĩa tương tự sang tiếng nước ngoài. Đối với doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên sẽ được in hoặc viết khổ nhỏ hơn so với tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc trên các ấn phẩm doanh nghiệp phát hành, hồ sơ tài liệu hoặc giấy tờ giao dịch của doanh nghiệp. Riêng về tên viết tắt của doanh nghiệp có thể được viết tắt từ tên tiếng nước ngoài hoặc tên tiếng Việt. Hơn hết, tên công ty không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn.
1.2 Vốn điều lệ
Hiện tại, pháp luật chưa quy định cụ thể về vốn điều lệ đối với ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng. Vì vậy, chủ đầu tư có thể kê khai vốn điều lệ tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý về thời gian phải góp đủ vốn mà thành viên/ cổ đông đã cam kết góp là không quá 90 ngày kể từ thời điểm được cấp phép hoạt động.
Tham khảo: Thủ tục thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
1.3 Mã ngành nghề và loại hình đăng ký kinh doanh
Để đi đến bước thành lập một doanh nghiệp thì đầu tiên chúng ta phải xác định doanh nghiệp sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng. Sau khi tìm được lĩnh vực kinh doanh mong muốn, chủ đầu tư cần tìm hiểu và xác định chính xác mã ngành nghề thuộc phạm vi lĩnh vực công ty sẽ đăng ký kinh doanh. Có 2 mã ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng mà nhà đầu tư có thể tham khảo như:
– 4632: Bán buôn thực phẩm.
– 4722: Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh.
Một điểm đặc biệt đối với lựa chọn ngành nghề kinh doanh chính là tính đặc thù riêng. Vì có một số ngành nghề đặc biệt được pháp luật quy định phải đáp ứng các điều kiện như vốn pháp định, giấy phép hành nghề,…
Khi thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, ngoài việc xác định mã ngành nghề cần phải lựa chọn loại hình công ty cụ thể. Lựa chọn loại hình đăng ký kinh doanh cần phải cân nhắc quy mô công ty. Nếu công ty có quy mô nhỏ thì nên chọn loại hình hộ kinh doanh, công ty tư nhân hoặc công ty TNHH để giảm thiểu rủi ro. Đối với công ty có quy mô lớn có thể chọn loại hình công ty liên doanh, hợp doanh hoặc công ty cổ phần.
1.4 Người đại diện theo pháp luật của công ty
Người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ là người trực tiếp đại diện cho công ty để thực hiện các giao dịch điển hình như ký kết hợp đồng,… Nên khi lựa chọn người đại diện theo pháp luật cần phải chọn người đủ điều kiện về tư cách làm đại diện.
1.5 Hồ sơ đăng ký thành lập công ty
Sau khi đã xác định hết các bước nêu trên, chủ đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh gồm có những giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.
– Điều lệ doanh nghiệp.
– Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của các thành viên/ cổ đông góp vốn của doanh nghiệp.
– Danh sách thành viên/ cổ đông góp vốn.
– Trường hợp chủ doanh nghiệp không trực tiếp tiến hành đăng ký thì cần có giấy uỷ quyền.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng đã đầy đủ thì người trực tiếp đăng ký thành lập sẽ tiến hành nộp hồ sơ. Hiện nay, thủ tục về đăng ký thành lập doanh nghiệp đã có nhiều cải tiến phù hợp với sự phát triển của xã hội. Do đó, hồ sơ thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng có thể nộp online thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 1: Lập tài khoản cổng thông tin. Để thực hiện nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thực hiện phải truy cập vào website dangkykinhdoanh.gov.vn để tiến hành kê khai đầy đủ các trường thông tin bắt buộc. Sau khi đăng ký, hệ thống sẽ tiến hành thông báo đến gmail đăng ký.
- Bước 2: Kích hoạt tài khoản đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhận được email từ hệ thống, người thực hiện truy cập vào đường link đính kèm để kích hoạt tài khoản. Khi tài khoản đã được kích hoạt thành công, đăng nhập tài khoản để yêu cầu về tài khoản đăng ký kinh doanh.
- Bước 3: Nộp hồ sơ. Người thực hiện sẽ bắt đầu nhập chính xác các trường thông tin được hệ thống yêu cầu đối với hồ sơ thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng.
- Bước 4: Chờ kết quả. Kết thúc quá trình nộp hoàn chỉnh hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cần phải chờ kết quả duyệt hồ sơ từ 03-05 ngày.
2. Thủ tục sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sau khi nhận kết quả đăng ký thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng cần tiến hành khắc dấu theo bản thiết kế mẫu dấu đã chuẩn bị. Mang bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản thiết kế mẫu dấu đến cơ quan có thẩm quyền để làm con dấu pháp nhân cho doanh nghiệp. Và khi nhận con dấu pháp nhân, người thực hiện phải mang theo bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau khi đã nhận được Giấy phép đăng ký kinh doanh:
– Treo bảng hiệu tại trụ sở chính của công ty.
– Tiến hành đăng ký chữ ký số doanh nghiệp để dùng trong các trường hợp như ký các giao dịch điện tử.
– Doanh nghiệp phải có đăng ký ít nhất một tài khoản ngân hàng.
– Doanh nghiệp sẽ được cấp tài khoản khai thuế trên hệ thống thuế điện tử bởi cơ quan thuế. Từ đó, doanh nghiệp sẽ bắt đầu đăng nhập tài khoản để đăng ký những tờ khai cần thiết.
– Nộp thuế môn bài, nộp tờ khai.
– Đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (VAT) và đăng ký, thông báo sử dụng hoá đơn điện tử.
Xem thêm: Thủ tục thay đổi thành viên Công ty TNHH HTV trở lên tại Đà Nẵng.
3. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng
Để có thể tiến hành thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng theo các thủ tục nêu trên, chủ đầu tư cần đảm bảo một số yêu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 67/2016/NĐ-CP về điều kiện cơ sở sản xuất. Điều này nêu rõ, cơ sở sản xuất phải sử dụng nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, còn hạn sử dụng và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Hơn nữa, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện về diện tích, an toàn và tính chất công nghệ, thuận lợi cho công tác sản xuất, bảo quản, vận chuyển sản phẩm. quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này về các mục sau:
– Địa điểm, môi trường.
– Thiết kế xây dựng nhà xưởng.
– Kết cấu nhà xưởng.
– Hệ thống thông gió.
– Hệ thống chiếu sáng.
– Hệ thống cung cấp nước.
– Hơi nước và khí nén.
– Hệ thống xử lý chất thải.
– Nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động.
– Dụng cụ, thiết bị sản xuất thực phẩm chức năng.
– Phương tiện rửa và khử trùng tay.
– Phòng chống côn trùng và động vật gây hại.
– Thiết bị dụng cụ đo lường, giám sát.
Đối với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo điều kiện tại Điều 9 Nghị định 67/2016/NĐ-CP. Cụ thể, cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng phải có khu vực bảo quản, hay còn gọi là kho riêng thích hợp với yêu cầu bảo quản thực phẩm chức năng. Trong quá trình kinh doanh, công ty cần để ý về việc có khu bày bán thực phẩm chức năng riêng. Ngoài ra, cơ sở này còn cần phải được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định này về việc:
– Đáp ứng diện tích về từng khu vực riêng như khu bán hàng, khu bảo quản.
– An toàn về kết cấu hạ tầng để không bị ngập, bị đọng nước, không có nguồn gây hại đến sản phẩm…
– Trong thời gian diễn ra hoạt động kinh doanh cần có phần mềm quản lý và hệ thống sổ sách.
– Trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị kinh doanh, bảo quản cũng như vệ sinh thường xuyên.
4. Dịch vụ tư vấn Doanh nghiệp
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật liên quan doanh nghiệp, Văn phòng luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích đã hỗ trợ thành công nhiều nhà đầu tư về việc thành lập doanh nghiệp.
Với đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường pháp lý, chúng tôi cam kết mang đến cho Quý khách hàng những dịch vụ tốt nhất, tiết kiệm thời gian với chi phí.
Ngoài ra, Văn phòng luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích cung cấp các dịch vụ liên quan tới doanh nghiệp – đầu tư dưới đây:
Tư vấn thay đổi tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, vốn điều lệ…
Hỗ trợ soạn thảo hồ sơ thông báo thay đổi giấy phép kinh doanh
Hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Tư vấn các thủ tục sau khi thay đổi
Tư vấn thường xuyên các hoạt động doanh nghiệp
…
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng của Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 091 298 7103.
Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Công ty Luật Duy Ích – Chi nhánh Đà Nẵng.