1. Án treo là gì?
Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
2. Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo
Người được hưởng có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:
-
- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;
- Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự 2019; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
3. Mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo
Theo khoản 2, 3, 4 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, tùy trường hợp cụ thể, người được hưởng án treo được rút ngắn thời gian thử thách theo từng mức như sau:
-
- Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.
- Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu những lần tiếp theo mà họ có đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.
- Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện tại mục (2.1), thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.
Trong đó:
-
- Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng của nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có sáng kiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
- Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
4. Trường hợp được hưởng án treo nhưng bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định thì bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đó. Cụ thể tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP quy định như sau:
-
- Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019 từ 02 lần trở lên.
Vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên đối với trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép được xác định như sau:
-
- Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép, cơ quan có thẩm quyền căn cứ Điều 87, Điều 91 và Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, nhắc nhở lần 01 và triệu tập người này để tiếp tục thi hành án nhưng họ vẫn không có mặt theo giấy triệu tập nên cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm vắng mặt và lập biên bản kiểm điểm vắng mặt. Trường hợp này được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần 01.
- Căn cứ theo Điều 93 Luật Thi hành án hình sự 2019, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nhưng người này vẫn không có mặt nên bị lập biên bản nhắc nhở lần 02. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nếu người này vẫn không có mặt thì lập biên bản xác nhận sự vắng mặt. Trường hợp này được coi là vi phạm nghĩa vụ lần 02.
Trên đây là ý kiến tư vấn mang tính chất tham khảo. Nếu Quý khách có bất kỳ vướng mắc hoặc cần thêm thông tin chi tiết về vấn đề trên hãy liên hệ với chúng tôi qua số liên lạc 0912 987 103 hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp tại 76-78 Bạch Đằng, Hải Châu, Đà Nẵng. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Rất mong nhận được sự hợp tác.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn Luật – Công ty Luật Duy Ích tại Đà Nẵng.