Cấm kết hôn trong trường hợp nào theo quy định pháp luật 2024
Ngoài việc phải đáp ứng đúng các quy định về điều kiện kết hôn theo pháp luật, cặp đôi cần nắm rõ và không được thuộc những trường hợp pháp luật hôn nhân gia đình cấm kết hôn. Qua bài viết này, Duy Ích Luật sẽ gửi đến cho bạn đọc chi tiết những trường hợp cấm kết hôn theo pháp luật hiện hành.
1. Cấm kết hôn đối với Kết hôn giả tạo
Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về kết hôn giả tạo là lợi dụng việc kết hôn cho những mục đích sau đây:
- Xuất cảnh
- Nhập cảnh
- Cư trú
- Nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài
- Hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước
- Mục đích khác mà không nhằm xây dựng gia đình
Như vậy, bất cứ ai thực hiện những hành vi nêu trên chính là kết hôn giả tạo và thuộc trường hợp pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam cấm kết hôn.
Nếu vẫn có người bất chấp vi phạm để thực hiện những hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Xem tại: Quy định về bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong vụ án ly hôn 2024
2. Cấm kết hôn đối với Tảo hôn
Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa tảo hôn là việc lấy chồng, lấy vợ khi một hoặc hai bên chưa đủ độ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật này là:
- Từ đủ 20 tuổi trở lên đối với nam
- Từ đủ 18 tuổi trở lên đối với nữ
Và việc xác định chính xác độ tuổi này phải dựa vào ngày, tháng, năm sinh theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Trường hợp không xác định được cụ thể ngày, tháng, năm sinh thì thực hiện:
- Xác định tháng sinh là tháng 01 của năm sinh cho trường hợp xác định năm sinh nhưng không biết tháng sinh.
- Xác định ngày sinh là ngày 01 của tháng sinh nếu xác định được tháng và năm sinh nhưng không xác định được ngày sinh.
Đối với việc tảo hôn thuộc trường hợp cấm kết hôn nhưng vẫn duy trì quan hệ vợ chồng mặc dù đã có quyết định, bản án của Toà án thì sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng.
Đồng thời, những người tổ chức cho người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị phạt theo Điều 58 Nghị định 82/2020 từ 01 triệu đến 03 triệu đồng. Trường hợp đã bị phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục hành vi này thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ lên đến 02 năm về Tội tổ chức tảo hôn theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015.
3. Cấm kết hôn đối với Cưỡng ép, lừa dối kết hôn
Cưỡng ép kết hôn là hành vi đe doạ, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Vì hôn nhân là sự tự nguyện của đôi bên nam, nữ nên việc ép người khác kết hôn trái mong muốn của họ chính là vi phạm nguyên tắc tự nguyện kết hôn được pháp luật bảo vệ. Người có hành vi vi phạm quy định này sẽ bị xử lý tuỳ theo tính chất và mức độ bằng một trong các hình thức như:
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020.
- Phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, căn cứ Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình thì người bị cưỡng ép, lừa dối kết hôn được quyền yêu cầu hoặc đề nghị tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
4. Cấm kết hôn đối với Cản trở kết hôn
Cản trở kết hôn được định nghĩa tại khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là hành vi đe doạ, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc người có đủ các điều kiện kết hôn được kết hôn.
Và người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng theo điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020. Trường hợp người có hành vi vi phạm nêu trên đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục thì có thể bị phạt theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 bằng một trong các hình thức:
- Cảnh cáo
- Cải tạo không giam giữ lên đến 03 năm
- Phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm
Tham khảo: Quy định về thuận tình ly hôn theo pháp luật Việt Nam 2024
5. Cấm kết hôn nếu Kết hôn với người đang có vợ hoặc chồng
Hành vi kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng còn được gọi theo cách khác là hành vi ngoại tình bao gồm:
- Kết hôn với người khác khi đang có vợ, có chồng
- Kết hôn với người mà đã biết rõ đang có vợ, chồng
Đây không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là việc làm vô đạo đức. Đối với hành vi nêu trên được thực hiện ở mức độ nhẹ thì có thể bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020. Trường hợp thực hiện hành vi ở mức độ nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hưởng án phạt tù cao nhất đến 03 năm theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
6. Cấm kết hôn với những đối tượng
Ngoài những hành vi vi phạm nêu trên, pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam còn cấm những người sau đây kết hôn với nhau:
- Người cùng dòng máu trực hệ
- Người có họ trong phạm vi ba đời
- Cha mẹ nuôi với con nuôi, đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ và mẹ kế với con riêng của chồng
Pháp luật hôn nhân gia đình có mức xử phạt khá nặng có thể lên đến 20 triệu đồng với những trường hợp này theo Nghị định 82/2020.
7. Dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình
Luật sư ly hôn giải quyết các vấn đề về ly hôn, tranh chấp tài sản chung và giành quyền nuôi con, đảm bảo quyền lợi tối đa của khách hàng. Văn phòng Luật sư Đà Nẵng với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm trong việc tư vấn và thực hiện các thủ tục hồ sơ ly hôn và tham gia giải quyết các tranh chấp về tài sản, quyền nuôi con…Luật sư chúng tôi hỗ trợ thực hiện các vấn đề sau:
Tư vấn pháp lý về ly hôn, tranh chấp nuôi con, tài sản, ….;
Hỗ trợ chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ khởi kiện ly hôn
Tư vấn phương án giải quyết tài sản chung, nợ chung, … đảm bảo quyền lợi của khách hàng;
Tư vấn về quy định cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, số tiền cấp dưỡng nuôi con và thời hạn cấp dưỡng nuôi con
Tư vấn về thủ tục, hồ sơ giấy tờ nhận nuôi con nuôi, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
…
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Cấm kết hôn trong trường hợp nào theo quy định pháp luật 2024 của Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Công ty Luật Duy Ích. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 091 298 7103;
Bộ phận tư vấn luật Hôn nhân và gia đình – Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Công ty Luật Duy Ích.