Di sản thừa kế không có người thừa kế xử lý như thế nào?
Di sản thừa kế thường để lại cho người thừa kế hợp pháp hưởng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên di sản thừa kế của người mất để lại nhưng không có người thừa kế thì phần di sản đó được xử lý như thế nào? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm khi thực hiện phân chia di sản. Cùng tìm hiểu quy định về vấn đề trên qua bài viết dưới đây của Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích.
1. Di sản thừa kế là gì?
Tài sản thừa kế hay còn gọi là di sản thừa kế của người đã mất để lại cho người thừa kế. Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản:
“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Theo đó, có thể hiểu di sản như sau:
(i) Di sản là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người chết để lại gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Các loại tài sản thường gồm:
Nhà, đất hình thành do mua bán, tặng, cho, thừa kế…Nhà ở hình thành trong tương lai
Tiền, vàng, trang sức…
Cổ phiếu, chứng khoán…
Tài sản của vợ/chồng có trước khi kết hôn và được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
(ii) Di sản là phần tài sản trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng
Tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân: thu nhập, tiền lương, tiền thưởng, tiền trúng số, tài sản được tặng cho, thừa kế chung, thu nhập hoa lợi, lợi tức thu từ tài sản chung và thu nhập hợp pháp khác.
Tài sản riêng của vợ/chồng nhưng họ đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung hoặc đã tiêu dùng, chi tiêu cho gia đình
(iii) Di sản là phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác
Đây là tài sản lúc người để lại di sản còn sống và tạo lập tài sản chung với người khác. Có thể là: Phần vốn góp để kinh doanh, sản xuất, đầu tư…; Phần vốn sở hữu trong doanh nghiệp; Phần tài sản tạo lập khi sống chung với người khác như vợ chồng…
Theo Điều 610 BLDS 2015, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Xem thêm: Hướng dẫn xác định di sản thừa kế năm 2024
2. Di sản thừa kế không có người thừa kế xử lý như thế nào?
Theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế di sản như sau:
- Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, nếu cá nhân không đáp ứng điều kiện trên không được coi là người thừa kế nhận di sản thừa kế do người mất để lại.
Đối với các trường hợp di sản thừa kế không có người nhận thừa kế như sau:
– Thừa kế theo di chúc:
Theo đó, trường hợp không có người hưởng di sản thừa kế theo di chúc, cụ thể:
- Di chúc không hợp pháp theo quy định (Di chúc không đáp ứng điều kiện về chủ thể lập di chúc, nội dung và hình thức của di chúc);
- Người thừa kế là cá nhân chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thừa kế mà không có thừa kế kế vị;
- Tổ chức, cơ quan thừa kế theo di chúc không tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Người được chỉ định hưởng di sản thừa kế trong di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
- Nội dung di chúc không chỉ định cá nhân, cơ quan, tổ chức cá nhân được hưởng di sản thừa kế
– Thừa kế theo pháp luật:
- Những trường hợp không được thừa kế theo pháp luật như không có người thừa kế theo các hàng thừa kế, người thừa kế không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế….
Theo đó, các trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật thì di sản thừa kế để lại được xử lý theo Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản không có người nhận thừa kế như sau:
“Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”
Sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thì phần tài sản còn lại đó thuộc về Nhà nước.
Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế
3. Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế
Luật sư thừa kế bảo đảm quyền và lợi ích của từng chủ thể được hưởng quyền thừa kế, của người quản lý di sản cũng như những người có quan hệ thân thiết với chủ sở hữu tài sản mà họ cũng có thể được hưởng thừa kế thông qua di chúc.
Văn phòng Luật sư Đà Nẵng với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và thực hiện các thủ tục kê khai, phân chia di sản thừa kế và tham gia giải quyết tố tụng tranh chấp về tài sản, xác định hàng thừa kế… Luật sư chúng tôi hỗ trợ thực hiện các vấn đề sau:
- Tư vấn lập di chúc hợp pháp;
- Tư vấn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc;
- Tư vấn thủ tục từ chối nhận tài sản thừa kế;
- Tư vấn về thời hiệu thừa kế;
….
Trên đây là nội dung tư vấn về xử lý di sản thừa kế khi không có người thừa kế của Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 091 298 7103;
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Văn phòng Luật sư Đà Nẵng – Luật Duy Ích.